[Tập huấn thuộc Hợp phần OD3-4 của Dự án KOICA VNUA]
Trong hai ngày 24–25/4/2025, tại Hội trường C – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), lớp tập huấn “Quản lý và cải tiến giống vật nuôi” thuộc Dự án KOICA-VNUA đã được tổ chức thành công với sự tham dự của gần 170 học viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và sinh viên chuyên ngành chăn nuôi.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Chương trình nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam”, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư Kim Soo Ki – Giám đốc Dự án KOICA-VNUA, đã nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của chương trình đào tạo lần này. Ông gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các giảng viên, học viên và các đơn vị đồng hành đã tích cực hỗ trợ chương trình. Giáo sư Kim khẳng định rằng, Dự án KOICA-VNUA không chỉ hướng tới việc chuyển giao công nghệ chọn giống hiện đại, mà còn tập trung hỗ trợ VNUA xây dựng nền tảng giáo dục đại học bền vững, đồng thời nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ và chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu như lần này, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đồng thời góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Nội dung lớp tập huấn được xây dựng khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trong ngày đầu tiên, TS. Son Ji Huyn (Viện Nguồn gen KAIA – Hàn Quốc) đã trình bày chi tiết về các công nghệ chọn giống hiện đại đang được áp dụng tại Hàn Quốc và quốc tế.
[TS. Son Ji Huyn – Viện Nguồn gen KAIA, Hàn Quốc]
Buổi chiều cùng ngày, các học viên thực hành phân tích di truyền và ước tính giá trị giống bằng phần mềm BLUPF90.
Ngày thứ hai tiếp tục với phần lý thuyết và thực hành chuyên sâu về quản lý phối giống, dưới sự hướng dẫn của GS. Brian Kinghorn (Đại học New England, Úc), ông Alexander Kinghorn (Công ty BSK Software, Úc), cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia Việt Nam như PGS.TS. Đỗ Đức Lực và TS. Lê Văn Sáng (Úc).
Đặc biệt, học viên còn được trực tiếp thực hành phần mềm MateSel – một giải pháp hỗ trợ tối ưu hóa giao phối nhằm nâng cao hiệu quả di truyền, được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng chi tiết. Đây là hai phần mềm tiên tiến, đang được nhiều nước phát triển ứng dụng rộng rãi trong quản lý giống vật nuôi. Các học viên đánh giá cao tính chuyên môn, chất lượng giảng dạy của các chuyên gia quốc tế và nội dung thiết thực, sát với thực tiễn của chương trình.
[PGS. TS. Đỗ Đức Lực – Học viện Nông nghiệp Việt Nam và
GS. Brian Kinghorn Đại học New England Úc]
Kết thúc chương trình, các học viên được trao chứng nhận hoàn thành khóa học. Ban tổ chức và các đại biểu đều nhất trí rằng, lớp tập huấn lần này là một bước tiến thiết thực trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong ngành chăn nuôi Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chăn nuôi bền vững trong thời kỳ mới.